GS,TS. Tô Trung Thành, ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ với DĐDN về việc giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô trong năm 2023.

GS,TS. Tô Trung Thành, ĐH Kinh tế quốc dân.

Theo ông, chúng ta cần phải làm như thế nào để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%?

Bên cạnh các chính sách ngắn hạn về tài khoá, hỗ trợ thì cần đẩy nhiều hơn tài khoá vào trong gói hỗ trợ nhằm tăng giải ngân. Với chính sách tiền tệ thì cần quan tâm đến tính thực thi. Như vậy, mấu chốt ở đây liên quan đến đổi mới thể chế kinh tế.

Đây là vấn đề mang tính dài hạn, nhưng nếu giải quyết tốt thì sẽ tăng nền tảng kinh tế một cách vững chắc, tránh được các rủi ro trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay rủi ro ngày càng lớn, nếu chúng ta chú trọng quá nhiều đến việc phản ứng linh hoạt để tránh những “cú sốc” thì sẽ có phản ứng ngược là làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Nếu chúng ta vẫn tư duy “tôi không có nền tảng”, thế giới ra sao, “cú sốc” thế nào sẽ phản ứng lại như vậy thì rất nguy hiểm. Mặc dù, phản ứng linh hoạt có những thời điểm mang lại hiệu quả, nhưng về lâu dài nền kinh tế sẽ phải có sự đánh đổi.

Đơn cử, muốn giữ được tỉ giá thì phải đánh đổi lại bằng kinh tế khó khăn. Việc đánh đổi “phản ứng linh hoạt” sẽ đẩy chúng ta vào trạng thái bị động khi thế giới bất ổn hay từ chính các “cú sốc” trong nước. Do đó, giữ ổn định nền tảng kinh tế mới thực sự có ý nghĩa quan trọng.

>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu

>>Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên

Tuy nhiên, nền tảng kinh tế chúng ta đã nói rất nhiều nhưng vẫn không được xử lý quyết liệt, thưa ông?

Chúng ta phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ được lợi ích cho các nhà đầu tư trong tất cả các thành phần của nền kinh tế… Khi đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước mới có cơ hội phát triển.

Một trong những điểm tôi nhận thấy, trong suốt thời gian dài chúng ta thu hút dòng vốn FDI, và cho đến thời điểm hiện nay FDI ngày càng đóng vai trò lớn trong nền kinh tế với hơn 70% xuất nhập khẩu, 25% GDP và luôn xuất siêu.

Nhưng thực tế đóng góp về giá trị gia tăng cho Việt Nam lại không lớn. Có một “chi tiết” ít người để ý, đó là vấn đề liên quan đến dòng ra, tức là chi trả sở hữu thuần của các doanh nghiệp đến thời điểm này đang vượt dòng vào, tức là dòng chuyển giao từ bên ngoài, đặc biệt là kiều hối.

Điều này cho thấy, dưới góc độ kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến tích luỹ tài sản sau này và tăng trưởng dài hạn. Như vậy, mặc dù giá trị gia tăng (VA) của khu vực này mặc dù thấp nhưng lại có sự ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn. Sau hơn 30 năm thu hút FDI, khu vực tư nhân trong nước vẫn chỉ chiếm 30% và luôn nhập siêu.

- Vậy, theo ông câu chuyện thu hút FDI thời gian tới sẽ phải như thế nào để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam?

Vấn đề hiện nay là phải làm sao tăng được năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nước mới là câu chuyện cần phải quan tâm. Muốn khu vực này đột phá thì khâu đầu tiên là phải cải cách thể chế một cách quyết liệt nhằm nâng cao năng lực về mặt dài hạn cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Bên cạnh đó, phải kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh để khôi phục lại niềm tin, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn để cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Nếu làm được như vậy thì chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, vì thể chế mà tốt thì chi phí sẽ giảm. Trong khi vấn đề then chốt của doanh nghiệp là chi phí, nhất là trong bối cảnh càng nhiều bất ổn, càng nhiều rủi ro thì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giữ vai trò quan trọng nhất, mà không phải là những phản ứng mang tính chất đối phó.

-Trân trọng cảm ơn ông!