Minh bạch thông tin sử dụng đất

Đây là vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp khi nhiều hộ nông dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất mình đang sử dụng nên gặp nhiều vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, định vị tận vườn và thông tin toàn bộ chuỗi cung đòi hỏi chi phí rất lớn và cần sự chung tay của rất nhiều bên liên quan

Tuy nhiên, quy định chống mất rừng của EU thể hiện rõ nét xu hướng tiêu dùng mang tính toàn cầu và tất yếu, Việt Nam cần chuyển từ thế bị động sang chủ động thích ứng và coi đây là cơ hội để cấu trúc lại các ngành hàng, hướng đến các tiêu chuẩn bền vững. Vì thế, tôi cho rằng để chủ động thích ứng, chúng ta cần thực hiện ngay một số vấn đề quan trọng trong năm 2024 bao gồm:

Một là, triển khai các giải pháp kỹ thuật. Bộ, ngành và các bên liên quan cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện, xây dựng, công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống thông tin rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, xử lý các vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Hai là, xây dựng Khung hợp tác công tư trong thực hiện EUDR. Thúc đẩy xây dựng mối quan hệ đối tác công tư (chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế) cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR nhằm chia sẻ nguồn lực trong thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, minh bạch chuỗi cung ứng.

Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động tuân thủ quy định EUDR. Điều này cũng rất quan trọng vì cần thiết phải tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cho các ngành hàng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu khi sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản.

Bốn là, huy động nguồn lực thực hiện các quy định EUDR. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, định vị tận vườn và thông tin toàn bộ chuỗi cung đòi hỏi chi phí rất lớn và cần sự chung tay của rất nhiều bên liên quan, bao gồm (i) huy động nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng, (ii) Huy động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng thích ứng với EUDR.

Một điểm quan trọng khác đó là cần thiết phải xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU và các quốc gia thành viên về EUDR nhằm trao đổi thông tin hai chiều, thảo luận xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thực hiện EUDR nằm trong nỗ lực của EU nhằm chống mất rừng nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh. Không riêng EU, các thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản…cũng đang nghiên cứu các đạo luật tương tự như EUDR. Đáp ứng tốt EUDR cũng sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng với các yêu cầu tương tự tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Trước những khó khăn trên, tôi đưa ra một số khuyến nghị sau với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp:

Thứ nhất, cần chủ động tìm hiểu nắm bắt đầy đủ các yêu cầu, cập nhật quy định và hướng dẫn về EUDR, hợp tác và chủ động chia sẻ thông tin thực trạng của chuỗi cung với các doanh nghiệp nhập khẩu của EU để có giải pháp thay đổi, điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình.

Thứ hai, chủ động rà soát chuỗi cung ứng hiện tại của mình thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi (mạng lưới tư thương, các nông hộ, hệ thống các nhà cung cấp) những người cung nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp để truy xuất nguồn gốc, về vị trí của thửa đất sản xuất. Qua đó, đánh giá các tồn tại, rủi ro; tìm kiếm, xây dựng các giải pháp ngắn hạn, dài hạn và cung cấp thông tin cho các bên liên quan.

Thứ ba, các doanh nghiệp cân nhắc tổ chức lại chuỗi cung ứng của mình, cắt ngắn chuỗi cung ứng, chính thức hóa các giao dịch thông qua thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và hộ/nhóm hộ nông dân. Điều này sẽ giúp nông hộ thu nhận được các lợi ích thỏa đáng, giải quyết các yêu cầu liên quan đến lao động sau này.

Thứ tư, các doanh nghiệp nên ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ bền vững; hạn chế nhập khẩu nguyên liệu từ các vùng rủi ro, nếu có thể, chủ động phát triển vùng trồng nguyên liệu bền vững của chính doanh nghiệp.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý, bộ, ngành, chính quyền địa phương, các nông hộ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, cung cấp các thông tin về chuỗi cung ứng của ngành.

Khuyến nghị về chính sách

Cần phải có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp giải quyết vấn đề có tính chất pháp lý này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của các thửa đất canh tác các hàng hóa

Về chính sách tôi có những góp ý như sau: Một là, liên quan đến câu chuyện nguồn gốc đất canh tác và tính hợp pháp, một bộ phận không nhỏ các nông hộ hiện chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc vấn đề liên quan tới đất canh tác. Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp giải quyết vấn đề có tính chất pháp lý này nhằm đảm bảo tính hợp pháp của các thửa đất canh tác các hàng hóa; sửa đổi, bổ sung quy định về mã số vùng trồng, xác định tọa độ vị trí lô đất. Trên cơ sở đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hai là, liên quan đến chuỗi cung ứng, cần thiết phải có chính sách nhằm thúc đẩy và tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, các tổ nhóm hợp tác, hợp tác xã; liên kết chặt chẽ các tác nhân trong chuỗi cung ứng từ điểm đầu chuỗi cho đến điểm cuối cùng để đảm bảo nguyên liệu đưa vào chuỗi cung ứng được gây trồng, sản xuất trên diện tích đất không liên quan đến việc mất và suy thoái rừng, minh bạch các khâu trung gian trong chuỗi.

Ba là, cần có chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho những người nông dân đang canh tác ở các vùng gần rừng/ven rừng, có rủi ro cao liên quan đến mất hoặc suy thoái rừng chuyển đổi sinh kế, áp dụng các mô hình canh tác bền vững; hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin cần thiết đáp ứng yêu cầu theo quy định.