Theo các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngoài chính sách tài khóa, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công cũng như cải thiện chính sách an sinh xã hội, càng cần phải chú ý tới việc giảm thiểu các rủi ro liên quan đến tăng trưởng xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, cán cân thương mại bền vững…

Hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra về phòng vệ thương mại (Ảnh: HNV)

Mặc dù WTO và các hiệp định thương mại tự do đều hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các rào cản thương mại nhưng thực tế vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, phòng vệ thương mại sẽ là công cụ để các quốc gia bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn.

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (128 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (33 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc). Như vậy, các vụ kiện phòng vệ thương mại chủ yếu do các quốc gia cho rằng hàng hóa Việt Nam đang được bán phá giá. Vì vậy, cần triển khai một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra. Phương pháp điều tra ngoài  theo dõi dựa trên các mặt hàng có khối lượng xuất khẩu tăng đột biến hoặc chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu xuất khẩu tới các thị trường cần tích cực theo dõi dòng chảy thương mại của từng mặt hàng trên thế giới, xây dựng mô hình dự báo chính xác hơn; đặc biệt các mặt hàng đang bị điều tra tại các quốc gia khác.

Thứ hai, cần thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá. Doanh nghiệp cần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất từ các quốc gia nằm trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Đây là một trong những điều kiện cận có để minh chứng nguyên vật liệu được nhập khẩu từ thị trường ưu đãi, cùng với giá nhân công tương đối thấp, cấu thành mức giá xuất khẩu phù hợp, không có trợ cấp của Chính phủ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tránh nhập khẩu nguyên vật liệu từ các quốc gia đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác trao đổi, chia sẻ với các doanh nghiệp nhằm giúp họ nắm được những nguyên tắc điều tra, thấy rõ được tầm quan trọng của doanh nghiệp. Ngoài ra, vai trò của các cơ quan Nhà nước quan trọng hơn nữa trong hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ minh chứng, thiết lập quy trình thực hiện cụ thể, công khai để các doanh nghiệp nắm rõ hơn.

Thứ ba, cần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác. Không chỉ kim ngạch xuất khẩu một mặt hàng cụ thể tăng đột biến là nguyên nhân xảy ra điều tra phòng vệ thương mại, khi Việt Nam duy trì thặng dư thương mại quá lớn tới một số thị trường (tiêu biểu là Hoa Kỳ), các hàng hóa của Việt Nam có khả năng thuộc diện bị điều tra nhiều hơn. Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại diễn ra nhiều hơn cho thấy xu hướng muốn cân bằng lại cán cân thương mại nhưng theo hướng bất lợi cho Việt Nam. Vì vậy, các giải pháp giúp cân bằng cán thương mại cần triển khai quyết liệt hơn nữa như triển khai nhiều hơn các chương trình giúp doanh nghiệp của các đối tác lớn tiếp cận được với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, cần có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hơn, đặc biệt cần giảm thuế cho các mặt hàng máy móc, thiết bị từ các thị trường mà Việt Nam đang có thặng dư thương mại.

 Cân đối cán cân xuất-nhập khẩu dịch vụ

Cần có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa công ty du lịch và hãng không nhằm kích cầu du lịch quốc tế (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) 

Các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu GDP thì kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của cả nước đã có sự gia tăng mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhập siêu dịch vụ lớn và liên tục trong nhiều năm qua. Trong 3 năm gần đây, nhập siêu dịch vụ luôn vượt con số 10 tỷ USD và riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập siêu dịch vụ lên tới 4,1 tỷ USD.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu giảm 1% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm, khẳng định xuất khẩu dịch vụ là nguồn thu lớn và mang lại nhiều tiềm năng kinh tế mới cho đất nước. Việt Nam mới chỉ chú trọng đến xuất nhập khẩu hàng hóa mà chưa thực sự quan tâm đến xuất-nhập khẩu dịch vụ mặc dù các ngành dịch vụ của Việt Nam như du lịch, tài chính, ngân hàng, vận tải và logistics, v.v. đều có tiềm năng phát triển rất lớn. Vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ hướng tới cân đối cán cân xuất-nhập khẩu dịch vụ một cách bền vững. Dựa trên các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu hàng hóa, cần khẩn trương nghiên cứu và rà soát các văn bản pháp luật, tạo các chiến lược và chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các hành động để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các dịch vụ, phù hợp với lộ trình cam kết và các hiệp định song phương, đa phương nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng và an toàn cho các tổ chức dịch vụ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các dịch vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dịch vụ hầu như phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Do đó, muốn giảm nhập siêu dịch vụ cần có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, chẳng hạn như kết nối làm thị trường giữa hàng không và du lịch, kích cầu du lịch và giảm vé máy bay.

Từ kinh nghiệm của Thái Lan, để hạ giá vé, thu hút du lịch cần thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên, tạo ra những chính sách ưu đãi. Doanh nghiệp khách sạn, nghỉ dưỡng hợp tác với các hãng hàng không để bán vé trọn gói vận chuyển, lưu trú, tham quan, mua sắm. Hàng không cũng cung cấp cho các công ty du lịch một lượng vé giá thấp hơn giá vé khách đặt lẻ trực tiếp với hãng hàng không. Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa công ty du lịch và hãng không nhằm kích cầu du lịch quốc tế.

Hướng đến cán cân thương mại lành mạnh

Phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý  (Ảnh: Bộ Công Thương)

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Vì vậy, khi  các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với những cú sốc lớn và bị gián đoạn. Mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh – sạch, sản xuất cacbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ thị trường nhập khẩu.

Chẳng hạn, với EU, ngoài các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP, thị trường này tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu ngặt nghèo với hàng nhập khẩu. Từ hàng nông - thủy sản đến dệt may, giày dép, EU bổ sung các quy định mới bảo vệ sức khỏe người tiêu  dùng, hay yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững đối với môi trường.

Cũng theo các chuyên gia, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân  thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác, cần thực hiện một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, mở rộng giao thương với các thị trường  trong các FTA đã ký kết. Thay vì chỉ tập trung sâu một số thị trường lớn, cần khai thác cơ hội từ các FTA để mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác. Tiêu biểu với FTA Việt Nam - EU (EVFTA), phần lớn doanh nghiệp Việt hiện chủ yếu giao thương với 5-6 nước trong 27 nước thành viên thuộc EU, bỏ qua tiềm năng từ hơn 20 quốc gia còn lại. Tương tự, việc khai thác các thị trường trong FTA thế hệ mới khác như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường lớn. Điều này cho thấy việc khai thác thị trường thông qua các FTA vẫn còn tiềm năng rất lớn.

Thứ hai, rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững, cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát  triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của  tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tuy nhiên, Việt  Nam hiện nay chưa có quy định chung về tiêu chí xanh  trong sản xuất để làm căn cứ cho các doanh nghiệp xác định tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm dịch vụ định hướng  xuất khẩu. Vì vậy, cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh của mình. Các bộ tiêu chí cần bổ sung bao gồm toàn diện các khía cạnh của sản xuất xanh như cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại, tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải.

Thứ ba, khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng cần được sớm hoàn thiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và để các tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để: (i) Sớm ban hành quy định về quản lý rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó, có thể phát triển thêm quy định quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu trong hoạt động ngân hàng; (ii) Xây dựng danh mục khuyến khích, hạn chế và cấm đầu tư tín dụng; (iii) Xây dựng danh mục các dự án xanh khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung cấp tín dụng; (iv) Tăng cường các phối hợp chính sách liên ngành để phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam như phối hợp chính sách trong việc thúc đẩy phát triển các ngành/lĩnh vực xanh…; (v) Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và quản lý  rủi ro môi trường – xã hội của hệ thống ngân hàng để áp dụng nội bộ tại đơn vị; định hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng xanh. Để làm được điều này, các tổ chức tín dụng phải thẩm định khách hàng và nhu cầu vay, kiểm soát mục đích sử dụng vốn, quản lý rủi ro tín dụng trong cho vay được thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ.

Thứ tư, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh. Về mặt tài chính, các chương trình kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh nhằm giải quyết nhu cầu nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ như các dự án khởi nghiệp, vườn ươm, nhà xưởng, máy móc chuyển giao công nghệ phù hợp với chuyển đổi sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải… thì sẽ được hỗ trợ lãi suất vay. Về mặt kỹ thuật, các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và giải pháp quản lý sản xuất cho doanh nghiệp cần được xây dựng và khuyến khích. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể xây dựng các công cụ để phân tích tác động môi trường của sản phẩm, đề xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng và giúp triển khai các giải pháp năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa quy trình tái chế, đồng thời đề xuất các công nghệ kiểm soát ô nhiễm và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường./.

 
Lê Anh

Link: https://dangcongsan.vn/kinh-te/bai-3-dap-ung-cac-yeu-cau-xuat-nhap-khau-ben-vung-hieu-qua-645854.html