
Bối cảnh
Bắt đầu vào tháng 1/2020 từ Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng trên toàn thế giới kể từ tháng 2/2020, đại dịch COVID-19 đã khiến các nền kinh tế thế giới trải qua cú sốc kinh tế vĩ mô tồi tệ. GDP toàn cầu năm 2020 ước tính giảm khoảng 3,5%, trong đó giảm 4,9% ở các nền kinh tế tiên tiến và giảm 2,4% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (IMF, 2021). Còn ở Việt Nam, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2020 vẫn dương nhưng chỉ còn 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới vào những năm cuối 1980. Những tác động kinh tế chính của đại dịch là làm giảm quy mô của lực lượng lao động và giảm năng suất lao động. Về phía cung, nhiều doanh nghiệp đã bị đóng cửa, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy hoặc gián đoạn tạm thời bởi các biện pháp phòng chống bệnh dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, tránh sự sụp đổ của hệ thống y tế. Về phía cầu, nhiều nhu cầu tiêu dùng sụp đổ do người tiêu dùng lo ngại nguy cơ mắc bệnh. Hình thức tiêu dùng cũng có sự xáo trộn mạnh mẽ theo hướng tự phục vụ tại nhà hoặc sử dụng nhiều dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến thay vì tiếp xúc trực tiếp. Có thể nói, đại dịch COVID-19 hiện nay đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Diễn biến khó lường của đại dịch đặt ra khó khăn rất lớn đến khả năng duy trì sản xuất và sức chống chịu của nền kinh tế.
Trước những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch, Chính phủ các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đưa ra những phản ứng với quy mô, tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử. Bên cạnh chính sách giãn cách xã hội và cách ly để kiểm soát dịch, các chính sách kinh tế được đưa ra nhằm: (i) đảm bảo nhân lực, vật lực cho công tác chống dịch; (ii) đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân; (iii) hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng có tiềm lực tài chính hạn chế, dễ tổn thương do hoạt động sản xuất bị ngưng trệ; (iv) duy trì tính thanh khoản của hệ thống tài chính; và (v) hỗ trợ một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách kiểm soát dịch bệnh như hàng không, du lịch, bán lẻ,…
Tại Việt Nam, trong tháng 3/2020, thủ tướng Chính phủ đã ba lần ra các Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 04/3/2020), 15/CT-TTg (ngày 27/3/2020) và 16/CT-TTg (ngày 31/3/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và các biện pháp cấp bách phòng chống đại dịch COVID-19. Sau đó, trong tháng 4/2020, hàng loạt các văn bản pháp lý khác quan trọng hơn đã được ban hành bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua các khó khăn kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Ví dụ: Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Nghị quyết 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra hàng loạt các quyết định liên quan đến lãi suất, tín dụng và các quy định an toàn tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Những phản ứng chính sách kịp thời đó của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ban đầu được đánh giá là đã giúp làm giảm bớt những khó khăn kinh tế mà đại dịch đem lại đối với người dân và doanh nghiệp. Một số công cụ chính sách có thể đã giúp ổn định thị trường tài chính - tiền tệ, tăng khả năng chống chịu, duy trì việc làm, đồng thời giảm rủi ro phá sản của nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều gói chính sách của Chính phủ vẫn còn được coi là khó tiếp cận, không phù hợp với thực tiễn, tiêu tốn nguồn lực và không đem lại hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh việc cần cải thiện việc giải ngân và triển khai có hiệu quả các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang cân nhắc các gói chính sách hỗ trợ lần 2 với quy mô lớn và độ bao phủ rộng hơn.
Đại dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức bất định và chưa tổ chức nào trên thế giới có thể chắc chắn khi nào có thể kiểm soát được hoàn dịch bệnh; do vậy, việc tổng kết thực tiễn và đánh giá các chính sách phản ứng với đại dịch trong thời gian qua là hết sức cần thiết, không chỉ có ý nghĩa về mặt thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp nền kinh tế vượt qua và giảm thiểu tổn thất kinh tế đối với người dân và doanh nghiệp, từ đó phục hồi và phát triển bền vững; mà còn có ý nghĩa về mặt lý luận trong việc thiết kế và thực thi các chính sách phản ứng đối với những cú sốc tương tự như đại dịch COVID-19, đồng thời cải thiện việc phát triển các chính sách, chiến lược và chương trình trong tương lai của các cơ quan quản lý vĩ mô ở Việt Nam.
Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2020 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lựa chọn chủ đề “Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển” nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ trong năm 2020, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Từ mục tiêu tổng quát trên, Báo cáo hướng đến những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể sau:
- Làm rõ bối cảnh quốc tế, tác động của COVID-19 đến kinh tế thế giới; nghiên cứu các chính sách đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;
- Đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2020; làm rõ mức độ tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế Việt Nam thông qua các kênh khác nhau đối với các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách);
- Đánh giá các tác động tích cực và những tồn tại hạn chế của các chính sách vĩ mô (chính sách tài khóa và tiền tệ) đối phó với đại dịch COVID-19 đã thực hiện trong năm 2020, phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế;
- Phân tích và dự báo những cơ hội và thách thức trong năm 2021; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021;
- Đề xuất khuyến nghị chính sách nhằm: (i) giảm thiểu tác động trong ngắn hạn của đại dịch COVID-19, đồng thời vẫn tránh tạo ra các rủi ro gây tổn hại tới tăng trưởng trong dài hạn; và (ii) chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Phạm vi nghiên cứu của ấn phẩm tập trung vào đánh giá chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong khuôn khổ hệ thống chính sách nói chung.
Phương pháp nghiên cứu và số liệu
Do giới hạn về phạm vi không gian và thời gian, các phân tích đánh giá được thực hiện sử dụng cách tiếp cận tổng hợp, mô tả thống kê, đồng thời phân tích các thông tin, dữ liệu từ các nguồn báo cáo và nghiên cứu hiện có ở trong và ngoài nước.
Nghiên cứu sẽ tổng hợp các nội dung và giới hạn chính sách mà các nước trên thế giới đang thực hiện. Việc đánh giá ưu điểm, nhược điểm và hiệu quả chính sách sẽ được thực hiện nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đối với Việt Nam, nghiên cứu này sẽ tập trung vào từng nội dung chính sách mà Chính phủ Việt Nam thực hiện kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cho tới nay. Mỗi chính sách sẽ được phân tích mổ xẻ về không gian/giới hạn thực hiện, ưu điểm, nhược điểm và hiệu quả mà nó mang lại đối với các đối tượng thụ hưởng. Dựa trên những phân tích này, kết hợp với các bài học kinh nghiệm trên thế giới, nghiên cứu sẽ đưa ra các khuyến nghị trong việc thiết kế và thực thi các chính sách kinh tế nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hay những cú sốc tương tự; cũng như đưa ra các khuyến nghị nhằm phát triển bền vững dài hạn.
Thông tin và dữ liệu được chiết xuất chủ yếu từ các nguồn chính thống của Việt Nam (như: Tổng cục Thống kê (TCTK), Bộ Tài chính (BTC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,…) và các tổ chức quốc tế (như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB),…). Đồng thời, nghiên cứu cũng sử dụng số liệu sơ cấp từ việc điều tra 380 doanh nghiệp tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ tháng 9 đến tháng11 năm 2020, trong khuôn khổ của dự án nghiên cứu giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngoài ra, nghiên cứu còn kết hợp khai thác và phân tích dữ liệu từ Điều tra Doanh nghiệp và Điều tra tác động của đại dịch COVID-19 thực hiện bởi TCTK trong năm 2020.
Cấu trúc của báo cáo
Ngoài phần Giới thiệu, báo cáo bao gồm phần Tóm tắt báo cáo và phần Báo cáo chính. Tóm tắt Báo cáo sẽ tóm tắt lại toàn bộ báo cáo với cách viết không mang tính kỹ thuật, thân thiện với người đọc.
Báo cáo chính được cấu trúc thành ba phần. Vì là một báo cáo đánh giá kinh tế thường niên, nên Phần I (Kinh tế Việt Nam năm 2020) nghiên cứu về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2020. Phần này bao gồm các nội dung sau: Diễn biến kinh tế thế giới năm 2020; Tình trạng và diễn biến đại dịch COVID-19; Đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2020 thông qua các khu vực của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách).
Phần II (Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển) có mục tiêu đánh giá các chính sách ứng phó với đại dịch. Phần này bao gồm các nội dung: Nghiên cứu các chính sách tài khóa và tiền tệ đối phó với đại dịch trên thế giới và từ đó rút ra các kinh nghiệm cho Việt Nam; Đánh giá các chính sách kinh tế mà Việt Nam thực hiện trong năm 2020.
Phần III (Triển vọng Kinh tế năm 2021 và Khuyến nghị chính sách) trình bày triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2021; đồng thời dựa trên các kết quả nghiên cứu ở Phần I và Phần II, đưa ra các khuyến nghị chính sách trong ngắn và dài hạn để vượt qua đại dịch COVID-19 hướng tới hồi phục kinh tế và phát triển bền vững.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
Chủ biên
PGS.TS. Phạm Hồng Chương nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông hiện là Hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là kinh tế du lịch, chính sách công nghiệp và khoa học quản lý.
PGS.TS. Bùi Đức Thọ nhận bằng Tiến sĩ Quản lý hành chính - Phân tích chính sách tại Đại học Tổng hợp Kyung Hee, Hàn Quốc. Ông hiện là Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là khoa học quản lý, hành chính công.
PGS.TS. Tô Trung Thành nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh. Ông từng là thành viên nhóm tư vấn chính sách (PAG) cho Bộ Tài chính và Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Hiện tại, ông là Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và nghiên cứu giảng dạy tại Khoa Kinh tế học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là phân tích kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, ổn định tài chính, phân tích hoạt động doanh nghiệp.
PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Tổng hợp Manchester, Vương quốc Anh. Ông từng tham gia các chương trình trao đổi nghiên cứu tại Đại học Columbia và Đại học Maryland Baltimore, Hoa Kỳ. Ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn kinh tế cho các tổ chức trong và ngoài nước. Hiện tại, ông là Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Khoa Kinh tế học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm tăng trưởng kinh tế, giá cả, tài chính công và các chính sách kinh tế vĩ mô.
Các tác giả khác (theo thứ tự ABC)
PGS.TS. Quách Mạnh Hào nhận bằng Tiến sĩ Tài chính - Kế toán tại Trường Đại học Tổng hợp Birmingham, Vương quốc Anh. Ông từng là học giả Fulbright tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ông có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và tư vấn cho các tổ chức trong và ngoài nước. Hiện tại, ông là giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh và là đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh Quốc tại đây. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm thị trường vốn, định giá tài sản và chính sách tiền tệ.
PGS.TS. Hà Quỳnh Hoa nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế năm 2008 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà là giảng viên Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà bao gồm phân tích chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tài chính.
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế phát triển tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là Phó Trưởng khoa của Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là phát triển bền vững, bất bình đẳng, tài chính công và tài chính đô thị.
TS. Trần Thị Lan Hương nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là giảng viên tại Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà bao gồm tăng trưởng kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý tài chính.
ThS. Phạm Xuân Nam nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế phát triển tại Chương trình hợp tác Cao học Việt Nam - Hà Lan, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông hiện đang công tác tại Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là tăng trưởng doanh nghiệp và những yếu tố ảnh hưởng.
ThS. Trần Anh Ngọc nhận bằng Thạc sĩ Khoa học về Kế toán và Quản trị tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh. Ông hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là lý thuyết về tài chính tiền tệ, phân tích tài chính doanh nghiệp, tài chính toàn diện.
TS. Nguyễn Hoàng Oanh nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh Vienna, Cộng hòa Áo. Bà hiện đang công tác tại khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà bao gồm kinh tế học, tài chính công, kinh tế học giáo dục và kinh tế học xanh.
ThS. Phạm Thị Ngọc Quỳnh nhận bằng Thạc sĩ Quản lý Kinh tế tại Đại học Antwerp, Vương quốc Bỉ. Hiện tại, ThS. Phạm Thị Ngọc Quỳnh là giảng viên thuộc Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính bao gồm tài chính công và các chính sách kinh tế vĩ mô.
PGS.TS. Lê Thanh Tâm nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là Trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà tham gia nhiều đề tài nghiên cứu và tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Tổ chức của Liên Hiệp Quốc về Tài chính toàn diện (UNSGSA), tổ chức. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là quản trị và giám sát ngân hàng, tài chính vi mô, tài chính toàn diện, fintech.
ThS. Nguyễn Quỳnh Trang nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế học tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh. Bà hiện là nghiên cứu viên chính, Ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, các vấn đề kinh tế vĩ mô, năng suất, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực.
TS. Vũ Thị Thúy Vân nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, bà là giảng viên Bộ môn Thị trường chứng khoán, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là rủi ro hệ thống trên thị trường chứng khoán, quản trị công ty niêm yết.